CÂY THUỐC VIỆT NAM

Thứ bảy - 08/03/2025 07:24
Các loại cây thuốc mọc quanh năm, nhổ hết cây già thì lại lên cây non, nhiều gia đình dùng để làm cây thuốc chữa bệnh.
Vùng đồi núi Thất Sơn tỉnh An Giang nơi lưu trữ nhiều loại dược liệu
Vùng đồi núi Thất Sơn tỉnh An Giang nơi lưu trữ nhiều loại dược liệu
Tên cây thuốc: Bạc hà
Tên khoa học: Mentha arvensis L.
Tên khác: Bạc hà nam, nạt nặm, chạ phiéc hom (Tày)
Họ: Bạc hà (Lamiaceae)
Mô tả: Cây cỏ sống nhiều năm, thường lụi vào mùa đông. Thân vuông, mọc đứng hay mọc bò, cao 30- 50cm, có rễ mọc ra từ các đốt. Lá mọc đối, hình trứng, mép khía răng, có lông cả hai mặt. Hoa nhỏ màu trắng hay tím hồng, tụ tập ở kẽ lá, tràng hình môi. Toàn cây có tinh dầu mùi thơm. Loài Mentha piperita L. và một số giống khác thuộc loài M.arvensis L. được nhập trồng ở Việt Nam.
Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất
Công năng, chủ trị: Sơ phong, thanh nhiệt, thấu chẩn, sơ can, giải uất, giải độc. Chữa cảm mạo phong nhiệt, cảm cúm, ngạt mũi, nhức đầu, đau mắt đỏ, thúc đẩy sởi mọc, ngực sườn đầy tức.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 12 - 20g, hãm vào nước sôi 200 ml, cách 3 giờ uống một lần.
bac ha
Tên cây thuốc: Bách bộ
Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour.
Tên khác: Củ ba mươi, dây đẹt ác, hơ linh (Ba Na)
Họ: Bách bộ (Stemonaceae)
Mô tả: Bách bộ thuộc loại cây leo, thân nhỏ, nhẵn, chiều dài thân từ 6 đến 8 m. Lá mọc đối hoặc so le, có cuống, hình dạng giống trái tim. Hoa to, có màu đỏ, mọc từ 1 đến 2 hoa ở nách lá; mỗi hoa bao gồm 2 lá đài, 2 cánh đài dài 4 cm; có 4 nhị. Quả hình nang dài 3,5 cm, chứa từ 2 đến 8 hạt. Rễ củ có từ 10 đến 30 củ, có khi lên đến 100 củ, mỗi củ dài từ 15 đến 20 cm, đường kính từ 1,5 đến 2 cm; củ có màu trắng vàng, vị ngọt, có hậu rất đắng.
Bộ phận dùng: Rễ
Công năng, chủ trị: Nhuận phế, chỉ ho, sát trùng. Chữa các chứng ho mới hoặc ho lâu ngày, viêm phế quản mạn tính, trị giun kim, ngứa, ghẻ lở.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 8 - 12g, sắc uống, thụt hậu môn điều trị giun kim, dùng 30 - 40g sắc lấy nước rửa điều trị ngứa, lở.
bach bo
Tên cây thuốc: Bạch đồng nữ
Tên khác: Mò trắng, Mò mâm xôi, Bấn trắng
Tên khoa học: Clerodendrum chinense (Osbeck.) Mabb var. simplex (Mold.) S. L. Chen
Họ: Cỏ roi ngựa (Verbenaceae)
Mô tả: Đây là một dạng cây bụi nhỏ cao khoảng 1-1,5m, thân cây không phân nhánh. Lá cây to, hình trứng, mọc so le nhau, trên lá có nhiều lông mịn. Chiều dài lá khoảng 10-20cm, rộng khoảng 8-18cm, xung quanh mép lá có răng cưa to, thô. Hoa của cây bạch đồng nữ có màu trắng hoặc hồng nhạt, có mùi thơm và tạo thành cụm to. Cây thường ra hoa vào tháng 7-8 và ra quả vào tháng 9-10. Bạch đồng nữ là loài cây dại, chúng phân bố nhiều nơi trên thế giới như Philipin, Indonesia, Việt Nam và nhiều nơi khác. Tại Việt Nam, chúng mọc ở khắp đất nước từ miền núi đến đồng bằng.
Bộ phận dùng: Rễ, lá, hoa
Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt, giải độc, khu phong trừ thấp, tiêu viêm. Rễ cây chữa gân xương đau nhức, mỏi lưng, mỏi gối, kinh nguyệt không đều, viêm túi mật, vàng da, vàng mắt. Dùng ngoài ngâm rửa trĩ, lòi dom. Lá cây chữa tăng huyết áp, khí hư bạch đới, Lá dùng ngoài trị vết thương, tắm ghẻ, chốc đầu. Hoa dùng trị ngứa.
Liều lượng, cách dùng: Rễ ngày dùng 12 - 16g, sắc uống. Dùng 1 kg cành lá, rửa sạch, đun sôi với nước 30 phút, lọc lấy nước, nhỏ giọt liên tục lên vết thương hoặc ngâm vết thương ngày 2 lần, mỗi lần 1 giờ.
bach dong nu
Tên cây thuốc: Bạch hoa xà thiệt thảo 
Tên khoa học: Hedyotis diffusa Willd.
Tên khác: Cỏ lưỡi rắn hoa trắng
Họ: Cà phê (Rubiaceae)
Mô tả: Cây thảo mọc bò, dài 20 - 25cm, thân vuông màu nâu nhạt, cành lá sum sê. Lá cây mọc đối, hình mác thuôn, dài 1 - 3,5cm, rộng 1 - 3cm, gốc và đầu lá nhọn, mặt trên nhẵn hoặc hơi nháp, mặt dưới có màu xám nhạt, gân giữa nổi rõ, các lá kèm có răng nhỏ ở đầu. Hoa màu trắng, ít khi có màu hồng, có cuống, mọc đơn độc hoặc theo đôi một ở kẽ lá. Lá đài hình mác, ống tràng dài 1,5mm, bầu có hai ô đựng nhiều noãn, đầu nhụy chia đôi. Quả khô, đầu bằng, bao bọc bởi những lá đài, nhiều hạt màu nâu nhạt. Cây bạch hoa xà thiệt thảo dễ nhầm lẫn với các cây lưỡi rắn - Vương thái tô, cây xương cá, cây an điền (Oldenlandia corymbosa L., Hedyotis corymbosa (L.) Lamk.) cùng họ.
Bộ phận dùng: Toàn cây
Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt giải độc, lợi niệu thông lâm, tiêu ung tán kết. Chữa phế nhiệt, hen suyễn, viêm họng, viêm Amydal, viêm đường tiết niệu, viêm đại tràng (trường ung). Dùng ngoài chữa vết thương, rắn cắn, côn trùng đốt.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 15 - 60g (khô) sắc uống. Dùng ngoài, giã nát đắp tại chỗ.
bach hoa xa thiet thao
 
Tên cây thuốc: Ý dĩ
Tên khoa học: Coix lacryma-jobi L.
Tên khác: Bo bo, hạt cườm, cườm gạo
Họ: Lúa (Poaceae)
Mô tả: Cây thảo, cao tới 2m, thân cây nhẵn có vạch dọc. Lá hình mác to, gân lá song song, rõ. Hoa đơn tính cùng gốc. Quả dĩnh, bao bọc bởi bẹ của lá bắc. Hạt Ý dĩ khi chín được bao bọc trong cấu trúc hình ôvan màu trắng trân châu và rất cứng. Nó được xài như là các chuỗi hột trang sức để làm chuỗi tràng hạt, chuỗi hạt và các vật dụng khác. Một số thứ được thu hoạch như là một loại ngũ cốc và cũng được sử dụng trong y học tại một vài nơi tại châu Á.
Bộ phận dùng: Hạt
Công năng, chủ trị: Kiện tỳ, bổ phế, thanh nhiệt, thẩm thấp. Chữa phù thũng, cước khí, ỉa chảy do tỳ hư, phong thấp lâu ngày không khỏi, gân cơ co quắp khó vận động.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 8 - 30g, sắc uống, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
 
y di
Tên cây thuốc: Xuyên Tâm Liên
Tên khoa học: Andrographis paniculata (Burm.f.) Nees
Tên khác: Công cộng, lãm hạch liên, khổ đảm thảo
Họ: Ô rô (Acanthaceae)
Mô tả: Xuyên tâm liên là loại cây thân thảo, cao khoảng 30 đến 80 cm, trên thân cây có nhiều đốt và cành lá mọc đối nhau. Lá cây có hình trứng thuôn dài hay hình mác. Hoa xuyên tâm liên có màu trắng, nhỏ, mọc thành chùm và có quả dài khoảng 15 mm. Loại thảo dược này mọc hoang nhiều khu phía Bắc của nước ta, và đây cũng là một trong 70 vị thuốc nam được Bộ Y tế khuyến khích trồng trong các vườn thuốc tại các Trạm Y tế.
Bộ phận dùng: Bộ phận trên mặt đất
Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm, chỉ thống. Chữa lỵ cấp tính, viêm dạ dày, cảm mạo, phát sốt, viêm họng, viêm Amydal, viêm gan virus, mụn nhọt.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 4 - 16g, dạng sắc, tán.
xuyen tam lien
Tên cây thuốc: Xích Đồng Nam
Tên khoa học: Clerodendrum japonicum (Thunb.) Sweet
Tên khác: Mò hoa đỏ, lẹo cái
Họ: Cỏ roi ngựa - Verbenaceae.
Mô tả: Cây bụi cao 2m, cành vuông có rãnh, có lông mịn, mắt có lằn lông nối liền 2 cuống. Lá có phiến hình tim, rộng 30cm, không lông, mép có răng cưa nhỏ, cuống dài 5-20cm. Chùy hoa mọc ở ngọn cành, cao 45cm, đỏ chói hoặc hồng, dài 8mm; ống tràng cao 1,5cm, thùy tràng 5mm. Quả hạch cứng lam đen, to 12mm, trên đài đồng trưởng to 3,5cm. Ra hoa quả tháng 5-11.
Bộ phận dùng: Toàn thân phơi hoặc sấy khô, có thể dùng tươi.
Công năng, chủ trị: Hành khí, hoạt huyết, tiêu viêm, chỉ thống. Chữa khí hư, viêm cổ tử cung, kinh nguyệt không đều, vàng da, mụn lở, khớp xương đau nhức, đau lưng.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 15 - 20g, sắc hoặc nấu cao uống. Lá tươi giã đắp hoặc ép lấy nước rửa vết thương, bỏng, mụn lở.
xich dong nam
Tên Cây Thuốc: Xạ Can
Tên khoa học: Belamcanda chinensis (L.) DC.
Tên khác: Rẻ quạt, lưỡi đòng
Họ: La dơn (Iridaceae)
Mô tả: Xạ can là một loại thân thảo sống lâu năm, có thân rễ mọc bò màu nâu nhạt, phân nhiều nhánh. Thân có lá mọc thẳng đứng, có thể cao tới 1m. Lá hình mác, gân song song, dài 20 - 40 cm, rộng 15 - 20 cm, toàn bộ lá xếp thành một mặt phẳng và xòe ra như cái quạt. Hoa có cuống, bao hoa có 6 cánh màu vàng cam đỏ, điểm những đốm tía, đường kính 3 - 4cm. Quả nang hình trứng, có 3 van, dài 23 - 25mm, hạt xanh đen, hình cầu, đường kính 5mm.
Bộ phận dùng: Thân rễ, lá
Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt giải độc, hóa đàm bình suyễn. Chữa viêm họng, viêm amydal có mủ, ho nhiều đờm, khản tiếng, viêm tắc tuyến vú, tắc tia sữa.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 3 - 6g (dạng khô), sắc uống; 10 - 20g (thân rễ tươi) tươi rửa sạch, nhúng qua nước sôi, giã nát cho vài hạt muối, vắt lấy nước ngậm và nuốt dần, bã hơ nóng đắp vào cổ.
xa can
Tên cây thuốc: Trinh nữ hoàng cung
Tên khoa học: Crinum latifolium L.
Tên khác: Tỏi lơi lá rộng.
Họ: Thuỷ tiên (Amaryllidaceae).
Mô tả: Trinh nữ hoàng cung là một loại cỏ, thân hành như củ hành tây to, đường kính 10 - 15 cm, bẹ lá úp nhau thành một thân giả dài khoảng 10 - 15 cm, có nhiều lá mỏng kéo dài từ 80 - 100 cm, rộng 5 - 8 cm, hai bên mép lá lượn sóng. Gân lá song song, mặt trên lá lỡm thành rãnh, mặt dưới lá có một sống lá nổi rất rõ, đầu bẹ lá nơi sát đất có màu đỏ tím. Hoa mọc thành tán gồm 6 - 18 hoa, trên một cán hoa dài 30 - 60 cm. Cánh hoa màu trắng có điểm màu tím đỏ, từ thân hành mọc rất nhiều củ con có thẻ tách ra để trồng riêng dễ dàng.
Bộ phận dùng:
Công năng, chủ trị: Tiêu ung, bài nùng. Hỗ trợ chữa ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư tuyến tiền liệt.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 3 - 5g, sao vàng, sắc uống.
trinh nu hoang cung
Tên cây thuốc: Trắc Bách Diệp
Tên khoa học: Platycladus oreintalis (L.) Franco
Tên khác: Trắc bá, bá tử, co tổng péc (Thái)
Họ: Hoàng đàn (Cupressaceae)
Mô tả: Cây trắc bách diệp là cây nhỏ, cao vài mét, phân nhánh nhiều. Tán lá hình tháp. Thân hơi vặn vẹo, có vỏ màu đen hoặc nâu đỏ, nứt nẻ. Các cạnh dẹt mang lá xếp thành những mặt phẳng đứng, song song với thân rất đặc sắc. Lá mọc đối, hình vảy, dẹt, ở cả hai mặt đều có màu lục sẫm. Hoa đơn tính cùng gốc. Hoa đực ở đầu cành nhỏ, hình đuôi sóc. Hoa cái mọc ở gốc cành nhỏ, hình nón tròn, khi thành quả có đường kính khoảng từ 1.5 đến 2cm, gần hình cầu hoặc hình trứng, bao bọc bởi nhiều lớp vảy dẹp màu lục pha lơ nhạt, mỏ quạp ra phía ngoài, chứa 2 hạt. Hạt có vỏ ngoài cứng nhẵn, hình trứng.
Mùa hoa quả: Tháng 3 - 9.
Bộ phận dùng: Lá, nhân hạt (bá tử nhân)
Công năng, chủ trị: Lá sao cháy có tác dụng lương huyết, cầm máu, trừ thấp nhiệt. Chữa ho ra máu, đại tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, rong kinh, rong huyết. Hạt trắc bách diệp (Bá tử nhân) có tác dụng bổ tâm, định thần, chỉ hãn, nhuận táo, thông tiện. Chữa hồi hộp, mất ngủ, hay quên, người yếu âm hư.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 6 - 12g (lá), Bá tử nhân ngày dùng 4 - 12g. Trắc bách diệp sao cháy ngày dùng 10 - 20g, sắc uống.
trac bach diep
Tên cây thuốc: Tía Tô
Tên khoa học: Perilla frutescens (L.) Britt.
Họ: Bạc hà (Lamiaceae).
Mô tả: Cây thảo, cao 0,5 - 1m. Lá mọc đối, mép khía răng, mặt dưới tím tía, có khi hai mặt đều tía, nâu hay màu xanh lục có lông nhám. Hoa nhỏ mọc thành xim co ở đầu cành, màu trắng hay tím, mọc đối. Quả bé, hình cầu. Toàn cây có tinh dầu thơm và có lông. Loài tía tô mép lá quăn (Perilla ocymoides L. var. bicolorlaciniata) có giá trị sử dụng cao hơn. Ngoài ra lá tía tô của Triều Tiên hay Nhật Bản có hai mặt đều xanh, có giá trị cao để xuất, nhập khẩu. Loại này được gọi là perilla frutescens.
Bộ phận dùng: Lá, hạt chín, cành phơi khô, hoặc sấy khô.
Công năng, chủ trị: Hành khí, khoan trung, chỉ thống, an thai. Chữa khí uất vùng ngực, ngực sườn đày tức, thượng vị đau, ợ hơi, nôn mửa. Lá và cành tía tô chữa động thai. Hạt tía tô (tô tử) giảm ho trừ đàm.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 5 - 9g, sắc uống.
tia to
Tên cây thuốc: Thiên Môn Đông 
Tên khoa học: Asparagus cochinchinensis (Lour.) Merr.
Tên khác: Thiên môn, Thiên đông, Tóc tiên leo.
Họ: Thiên môn đông (Asparagaceae).
Mô tả: Dây leo sống lâu năm dài 1-2m. Rễ củ hình thoi mọc thành chùm. Thân mang nhiều cành, có ba cạnh, dài nhọn, hình lưỡi liềm nom như lá. Lá thật nhỏ như vẩy. Hoa nhỏ màu trắng, mọc ở nách lá. Quả mọng màu đỏ khi chín.
Bộ phận dùng: Rễ củ. Đồ chín, bỏ vỏ, rút lõi, phơi khô hoặc sấy khô.
Công năng, chủ trị: Tư âm, sinh tân, nhuận táo, thanh phế, hóa đàm. Chữa ho, sốt do phế nhiệt, tân dịch hao tổn, táo bón.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 6 - 12g, sắc uống.
thien mon dong
Tên cây thuốc: Sim 
Tên khoa học: Rhodomyrtus tomentosa (Ait.) Hassk.
Tên khác: Hồng sim, Đào kim nương.
Họ: Sim (Myrtaceae)
Mô tả: Cây bụi thường xanh, lớn, cao 1 - 2 m. Cành non có lông măng màu ánh xám. Lá mọc đối; cuống lá 4 - 7 mm; phiến lá hình elip đến hình trứng ngược, 3 - 8 × 1 - 4 cm, dạng da, có lông tơ khi còn non nhưng trở thành nhẵn nhụi và bóng khi già, mặt xa trục có lông măng màu xám, gân phụ 1 ở mỗi bên của gân giữa, bắt nguồn từ gần đáy phiến lá và hợp lại ở đỉnh, gân tam cấp 4 - 6 ở mỗi bên của gân giữa và nối gân giữa với các gân phụ, các gân mắt lưới thấy rõ, các gân bên trong mép lá cách mép lá 3 - 4 mm, đáy hình nêm rộng, đỉnh thuôn tròn đến tù và thường hơi có khía hoặc đôi khi hơi nhọn đột ngột. Hoa hình cuống, đường kính 2 - 4 cm. Chén hoa hình trứng ngược, ~ 6 mm, lông măng màu xám. Thùy đài hoa 5, gần thuôn tròn, 4 - 5 mm, bền. Cánh hoa 5, màu tím, hình trứng ngược, 1,3 - 2 cm. Nhị màu đỏ, 7 - 8 mm. Bầu nhụy 3 (hoặc 4) ngăn. Vòi nhụy ~1 cm. Quả mọng màu đen ánh tía khi thuần thục, hình vạc, 1,5 - 2 × 1 - 1,5 cm. Ra hoa tháng 4 - 5, quả chín tháng 8 - 10, thịt quả màu đỏ, vị ngọt, ăn được.
Bộ phận dùng: Búp non, lá, nụ hoa, quả chín.
Công năng, chủ trị: Chỉ huyết, lợi thấp, chỉ tả, giải độc. Chữa đau bụng, tiêu chảy, lỵ trực khuẩn.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 8 - 16g, thái nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng ngoài sắc lá, rửa vết thương.
sim
 
Tên cây thuốc: Bán hạ nam
Tên khoa học: Typhonium trilobatum (L.) Schott.
Tên khác: Cây chóc, chóc chuột, nam tinh, bán hạ ba thùy
Họ: Ráy (Araceae).
Mô tả: Bán hạ nam là một loại cỏ không có thân, củ cây hình cầu với đường kính khoảng 2cm. Lá cây có thể hình mác, hình tim hoặc chia thành thùy với độ dài khoảng 4 - 15cm và độ rộng khoảng 3,5 - 9cm. Hoa bán hạ mọc thành cụm và được gọi là bông mo, phần hoa đực có chiều dài khoảng 5 - 9mm và khoảng 17 - 27mm đối với phần trần, hoa có màu xanh pha đỏ tím với đặc điểm hoa đực nằm ở trên và hoa cái nằm ở dưới. Quả cây thuộc loại quả mọng, hình trứng và dài khoảng 6mm.
Bộ phận dùng: Thân rễ. Khi dùng phải qua chế biến cẩn thận.
Công năng, chủ trị: Hóa đàm táo thấp, giáng nghịch chỉ nôn, giáng khí chỉ ho. Chữa nôn, buồn nôn, đầy trướng bụng, ho có đờm, ho lâu ngày. Dùng ngoài chữa ong đốt, rắn rết cắn.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 3 - 10g, sắc uống. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai dùng thận trọng.
ban ha nam
Tên cây thuốc: Bố chính sâm
Tên khoa học: Abelmoschus moschatus Medik. ssp. tuberosus (Span) Borss.
Tên khác: Nhân sâm Phú yên, Thổ hào sâm
Họ: Bông (Malvaceae).
Mô tả: Sâm bố chính là một loài cây thân thảo, sống lâu năm cao từ 30-50 cm, mọc đứng một cách yếu ớt có khi dựa vào những cây xung quanh. Thân cành có thể mọc đứng cũng có khi bò lan tỏa ra mặt đất, cành hình trụ và không có lông. Lá đơn, mọc cách, có lá kèm hình chỉ. Các lá càng lên phía ngọn cây thì càng hẹp, phiến lá xẻ thùy 3-5 hoặc dạng mũi mác, mép lá có răng cưa thưa và đều, hai mặt có lông. Rễ phát triển thành củ hình trụ, màu trắng hoặc vàng nhạt, đường kính từ 1,5-2 cm. Hoa màu sâm bố chính màu đỏ hoặc hồng mọc đơn độc ở kẽ lá, cuống hoa dài từ 5-8 cm, có lông cứng. Quả hình trứng nhọn, dài gấp 3 lần đài, có khía dọc, quả nang, khi quả chín thì các lớp vỏ quả khô lại và mở ra bằng đường nứt theo khía dọc thành 5 mảnh vỏ, hai mặt đều có nhiều lông hình sao. Quả chín có màu đen nhạt. Hạt hình thận, dài 2-3 mm, có lông tơ, lúc xanh có màu xanh nhạt, chín có màu nâu đen, mặt ngoài có những đường vân tạo thành những gợn hay những ụ màu vàng.
Bộ phận dùng: Rễ. Rửa sạch, ngâm nước gạo một đêm, đồ chín. Phơi khô, hoặc sấy khô.
Công năng, chủ trị: Bổ khí, ích huyết, sinh tân dịch, chỉ khát (giảm ho), trừ đờm. Chữa cơ thể suy nhược, kém ăn, kém ngủ, thần kinh suy nhược, hoa mắt chóng mặt, đau dạ dầy, tiêu chảy, ho viêm họng, viêm phế quản, người háo khát, táo bón.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 10 - 12g, sắc uống.
Kiêng kỵ: Nếu thể tạng hàn phải chích với gừng. Không dùng chung với Lê lô.
bo chinh sam
Tên cây thuốc: Bồ công anh
Tên khoa học: Lactuca indica L.
Tên khác: Diếp dại, diếp trời, rau bồ cóc, rau mét, cây mũi mác
Mô tả: Bồ công anh là loại cây nhỏ, có chiều cao 0,6m đến 3m. Thân cây mọc thẳng, không cành hoặc rất ít cành nên nhìn như cây cỏ bụi. Lá có có chia thùy hoặc mép răng cưa to, cuống ngắn nên nhìn như không cuống. Lá và thân Bồ công anh khi bấm hoặc cắt ra sẽ tiết ra nhũ dịch màu trắng đục như sữa, vị đắng. Hoa mọc thành cụm, hình đầu, hoa chủ yếu có màu vàng (còn gọi là Hoàng hoa địa đinh), một số có màu tím (Tử hoa địa đinh).
Họ: Cúc (Asteraceae)
Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất
Công năng, chủ trị: Thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm tán kết. Chữa mụn nhọt sang lở, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, nhiễm trùng đường tiết niệu.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 8 - 30 g (khô), 20 - 40g (cây tươi), ép lấy nước uống hoặc sắc uống. Đắp ngoài trị mụn nhọt, sưng vú, tắc tia sữa.
bo cong anh
Tên cây thuốc: Cà gai leo
Tên khoa học: Solanum procumbens Lour.
Tên khác: Cà vạnh, Cà cườm, Cà quánh, Cà quýnh.
Họ: Cà (Solanaceae).
Mô tả: Cà gai leo thuộc loại cây nhỡ leo, có thân dài từ 60 - 100 cm, hay cao hơn, chia nhiều cành. Loài có nhiều gai, cành xòa rộng. Lá cây hình trứng hay thuôn dài, dưới gốc lá hình rìu hay hơi tròn. Ra hoa tháng 4 - 9, tạo quả tháng 9 - 12. Quả là dạng quả mọng bóng, màu đỏ, hình cầu đường kính 7-9 mm. Hạt màu vàng nhạt, dạng thận hình đĩa, kích thước khoảng 3 x 2 mm. Loài này có vị hơi the, tính ấm.
Bộ phận dùng: Rễ (Thích gia căn), dây (Thích gia đằng).
Công năng, chủ trị: Tán phong trừ thấp, tiêu độc, giảm đau. Chữa đau nhức gân xương, ho, ho gà, xơ gan, rắn cắn.
Liều lượng, cách dùng: Ngày 16 - 20g, sắc uống.
ca gai leo
Tên cây thuốc: Cam thảo đất
Tên khoa học: Scoparia dulcis L.
Tên khác: Cam thảo nam, thổ cam thảo, dã cam thảo, r’gờm, t’rôm lạy (K’Ho)
Họ: Hoa mõm chó (Scrophulariaceae)
Mô tả: Là loại cây cỏ, chiều cao trung bình 30 - 80cm, thân nhẵn, rễ to hình trụ. Lá đơn, mọc đối hoặc vòng 3 lá một. Phiến lá hình mác hay hình trứng ngược, dài trung bình 20 - 30mm, rộng 8 - 12mm, phía cuống hẹp lại thành cuống ngắn, mép lá nửa phía trên có răng cưa to, phía dưới nguyên. Hoa đơn hoặc nhiều thành đôi mọc ở nách lá, cuống hoa mảnh, dài 5 - 10 mm, không lông; không có bao hoa nhỏ, đài phân sinh, răng 4, hình trứng chữ nhật, dài khoảng 2 mm, đầu tròn, có lông mi, cánh hoa nhỏ, màu trắng, đường kính khoảng 4 mm, có ống rất ngắn, cổ hoa có lông dày, cánh hoa 4, cánh trên 1 cái hơi lớn hơn, đầu tròn, mép có răng nhỏ hình khía, dài khoảng 2 - 3 mm; nhị 4, gần bằng nhau, nhuỵ hình mũi tên, bầu hoa thẳng, đầu bầu hoa hình cắt ngang hoặc lõm vào. Quả nang hình trứng hoặc hình cầu, đường kính 2 - 3 mm, các ngăn và các mặt sau của các ngăn đều nứt, trục quả còn lại.
Bộ phận dùng: Cả cây
Công năng, chủ trị: Bổ tỳ, sinh tân, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc, lợi niệu. Chữa sốt, ho, viêm họng, ban chẩn, phế nhiệt gây ho, rong kinh, đái tháo đường.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 16 - 20g (dạng khô); 20 - 40g (cây tươi), sắc hoặc hãm uống.
nam kinh gioi
Tên cây thuốc: Cỏ mần trầu
Tên khoa học: Eleusine indica (L.) Geartn.
Tên khác: Cỏ chỉ tía, thanh tâm thảo, cao dag (Ba Na), hất t’rớ lạy (K’Ho)
Họ: Lúa (Poaceae)
Mô tả: Cỏ có thể ăn được và đôi khi được dùng làm thức ăn cho nạn đói, nhưng năng suất thấp. Loại cỏ mọc thấp này có khả năng tạo hạt ngay cả khi được cắt sát. Một số quần thể đã tiến hóa khả năng kháng một số loại thuốc diệt cỏ, bao gồm cả glyphosate.
Bộ phận dùng: Cả cây
Công năng, chủ trị: Lương huyết, thanh nhiệt, hạ sốt, giải độc, làm mát gan, làm ra mồ hôi, lợi tiểu. Chữa cảm nắng, sốt nóng, cao huyết áp, viêm gan hoàng đảm, dị ứng mẩn ngứa, đái khó, nước tiểu đỏ.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 12 - 16g (khô), 80 - 120g (cây tươi), đun sôi trong 15-20 phút, để nguội chắt lấy nước uống.
co man trau
Tên cây thuốc: Cỏ nhọ nồi
Tên khoa học: Eclipta prostrata (L.) L.
Tên khác: Cỏ mực, Hạn liên thảo, lệ trường, phong trường, mạy mỏ lắc nà (Tày), nhả cha chát (Thái)
Họ: Cúc (Asteraceae)
Mô tả: Nó có hình trụ, rễ màu xám. Cỏ mực mọc thẳng đứng có thể cao tới 80 cm, thân có lông cứng. Lá mọc đối có lông 2 mặt, dài 2 - 8 cm, rộng 5 - 15mm. Cụm hoa hình đầu màu trắng ở kẽ lá hoặc đầu cành, lá bắc thon dài 5 - 6mm, cũng có lông. Các đầu hoa đơn độc có đường kính 6 - 8 mm, với các bông hoa màu trắng. Quả bế 3 cạnh, hoặc dẹt, có cánh, dài 3mm, rộng 1,5mm, đầu cụt, mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Gọi là cây cỏ mực vì khi vò nát có nước chảy ra như mực đen.
Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất
Công năng, chủ trị: Lương huyết, chỉ huyết, bổ can thận, chữa các chứng huyết nhiệt, ho ra máu, nôn ra máu, đại tiện ra máu, tiểu tiện ra máu, chảy máu cam, chảy máu dưới da, băng huyết, rong huyết, râu tóc sớm bạc, răng lợi sưng đau.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 12 - 20g (khô), sắc uống; 30 - 50g (tươi), giã vắt lấy nước uống, bã đắp vết thương. Có thể dùng phối hợp với các cây thuốc khác chữa chứng xuất huyết.
Lưu ý khi sử dụng: Không dùng cho người có tỳ vị hư hàn, ỉa chảy, phân sống.
co nho noi
Tên cây thuốc: Cỏ sữa lá nhỏ
Tên khoa học: Euphorbia thymifolia L.
Tên khác: Vú sữa đất, thiên căn thảo, cẩm địa
Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae)
Mô tả: Cây cỏ rất nhỏ mọc tỏa rộng trên mặt đất, sống hàng năm, có nhựa mủ trắng. Thân màu đỏ tím, có lông trắng. Lá đơn, mọc đối, phiến hình bầu dục 0,3-0,6 × 0,3-0,4 cm, mép lá có răng cưa nhọn, màu đỏ tím, mặt dưới có lông. Cuống lá ngắn; 2 lá kèm tồn tại, dạng vẩy tam giác. Cụm hoa mọc ở nách lá hoặc ngọn cành. Quả nang, hình trụ thuôn ở đỉnh, có 3 cạnh, màu xanh tím. Hạt hình bầu dục, màu đỏ.
Bộ phận dùng: Cả cây
Công năng, chủ trị: Cầm máu, giảm đau, tiêu độc, chỉ lỵ, thông sữa, lợi tiểu. Chữa lỵ trực khuẩn và lỵ amip nhất là cho trẻ em, chữa mụn nhọt, phụ nữ băng huyết, phụ nữ sau đẻ ít sữa hoặc tắc tia sữa.
Liều lượng, cách dùng: Người lớn: ngày dùng 40 - 100g; trẻ em: ngày dùng 10 - 20g, sắc uống, dùng 5 -7 ngày.
co sua la nho
Tên cây thuốc: Cỏ tranh
Tên khoa học: Imperata cylindrica (L.) Beauv.
Tên khác: Cỏ tranh răng, bạch mao căn, dia (K’Dong), nhất địa (Gia Rai)
Họ: Lúa (Poaceae)
Mô tả: Cỏ tranh là cây sống lâu năm có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi; dáng lá hẹp dài; lá có mặt trên nhám, mặt dưới nhẵn, mép lá sắc có thể cứa đứt tay rất dễ dàng. Hoa tự hình chùy, màu trắng sợi như bông, rất nhẹ nên ngoài nhân giống qua chồi rễ, cỏ tranh còn có khả năng phát tán rất xa nhờ gió.
Bộ phận dùng: Thân rễ
Công năng, chủ trị: Lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm đau. Chữa phiền khát, tiểu tiện khó, tiểu ít, tiểu buốt, tiểu ra máu, ho ra máu, chảy máu cam do huyết nhiệt, phù thũng do viêm cầu thận cấp, hoàng đản.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 9 - 30g (khô), 30 - 60g (tươi) thái nhỏ, sắc với 600 ml nước đến khi còn 200 ml chia 2 - 3 lần uống trong ngày.
co tranh
Tên cây thuốc: Cỏ xước
Tên khoa học: Achyranthes aspera L.
Tên khác: Hoài ngưu tất.
Họ: Rau dền (Amaranthaceae)
Mô tả: Cây thân thảo sống một vài năm, cao khoảng 0,6 - 1 m. Rễ có hình trụ dài. Thân cây hình vuông, có lông tơ. Các mấu phình to giống như khớp đầu gối bò, đặc điểm chung một số loài ngưu tất, do vậy mà có tên ngưu (= bò) + tất (= đầu gối). Các cành mọc đối. Lá đơn nguyên mọc đối, phiến lá hình trứng hay elip, mép lá nguyên hay có khía răng cưa lượn sóng. Hoa tự bông mọc ở đầu nhánh hay kẽ lá. Ra hoa tháng 6 - 8. Tạo quả tháng 10. Quả nang hình bầu dục có lá bắc tồn tại tạo thành gai nhọn, dễ bám vào quần áo khi đụng phải.
Bộ phận dùng: Rễ đã phơi khô hoặc sấy khô.
Công năng, chủ trị: Hoạt huyết, khứ ứ, bổ can thận mạnh gân xương, lợi thủy thông lâm. Chữa đau nhức xương khớp, đau lưng, mỏi gối, chân tay co quắp, tê bại, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện không thông, đái buốt, đái rắt.
Liều lượng, cách dùng: Ngày dùng 6 - 15g; 12 - 40g, sắc uống.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai, ỉa lỏng, di tinh.
co xuoc
 

Tác giả bài viết: Cẩm Tú

Nguồn tin: Sưu tầm tài liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây